“Chó sủa là chó không cắn” là câu nói chúng ta thường nghe thấy trong cuộc sống hàng ngày. Vậy câu nói này có ý nghĩa như thế nào? Cùng giasudiem10 tìm hiểu trong nội dung bài viết sau nhé.
Mục Lục
Chó sủa là chó không cắn nghĩa là gì?
Chó sủa là chó không cắn có nghĩa là chỉ một người nói nhiều, hay phàn nàn, tranh luận nhiều hoặc gây ra nhiều sự ồn ào thì sẽ không phải là người hay hành động. Nghĩa là người đó chỉ nói nhiều, đe dọa nhiều mà không thực hiện điều mình nói.

Vì sao chó sủa là chó không cắn?
Chúng ta không biết nguồn gốc chính xác của câu nói “chó sủa không cắn” từ đâu. Theo nhiều người thì câu nói này được sinh ra từ những người nông dân ở Đông Âu.
Không hẳn tất cả các con chó sủa thì chúng đều không cắn. Tuy nhiên, người ta quan sát thấy rằng những con chó mà sủa nhiều thường sẽ không có ý định cắn. Nó chỉ sủa nhiều khi cảm thấy sợ, thấy mình bị đe dọa. Câu nói “chó sủa là chó không cắn” có thể áp dụng cho những người ‘sủa rất nhiều’ nhưng không chịu hành động.
Hình tượng chó trong văn hóa Việt Nam
Hình tượng con chó xuất hiện từ rất sớm trong văn hóa Việt Nam. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về “Thần Cẩu” liên quan đến các nhân vật lịch sử. Quá trình An Dương Vương tìm vị trí đẹp để xây thành Cổ Loa. Huyền thoại ra đời của vua Lý Công Uẩn đều liên quan đến “Thần Cẩu”. Cũng trong những truyền thuyết khác nhau, chó còn được xem là vật tổ của nhiều dân tộc như S’tiêng, Cơ Tu, Chăm, Xê Đăng, Dao, Lô Lô…
Bên cạnh đó, hình ảnh con chó cũng xuất hiện khá nhiều trong ca dao, tục ngữ và các tác phẩm văn học với những phẩm chất tuyệt vời như trung thành, thông minh, nhanh nhẹn và đem lại may mắn. Điển hình như các câu:

- Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang
- Chó giữ nhà, gà gáy sáng
Từ việc quan sát về tập tính sinh hoạt và cũng là một vật nuôi gắn bó nhiều với người dân, dân gian đã đúc kết ra những kinh nghiệm để dự báo về thời tiết, thời vụ mùa màng hay cả về cách chọn nuôi chó:
- Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa
- Nào ai buôn bán trăm bề / Chẳng bằng nuôi chó huyền đề bốn chân.
Ngày nay, chó còn là một loài thú cưng (pet) rất phổ biến và được nhiều người nuôi. Chúng được coi là một người bạn, một thành viên trong gia đình.
Có nhiều tác giả nổi tiếng cũng đưa hình ảnh con chó vào trong các tác phẩm văn học của mình. Chó được coi như là bạn gần gũi của con người, canh gác, giữ nhà cửa. Thậm chí có nơi chó được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo như đền Thủy Trung Tiên (Cẩu Nhi) nằm ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Trong văn hóa tín ngưỡng, chó còn có ý nghĩa canh giữ, xua đuổi tà ma vào ban đêm. Đó là lý do mà người Việt có tục đặt chó đá trước đền miếu, điện, đình. Chó đá cũng được đặt trước cửa của các gia đình quyền quý, ở cổng làng hay trong các khu mộ của người quyền quý với ý nghĩa bảo vệ, canh gác phần âm.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chó cũng là đối tượng bị khinh rẻ, coi thường. Đôi khi nó bị coi như một loài vật bẩn thỉu, ngu dốt. Đó là lý do khi người ta hay thóa mạ nhau bằng những câu chửi, tiếng lóng thì có nhắc đến con chó như: thằng chó, đồ chó, đồ con chó, đồ chó đẻ, đồ chó má,…
Hình ảnh con chó trong văn hóa thế giới
Ở nhiều nơi trên thế giới, con chó cũng được trân trọng và nâng niu. Có những chòm Sao liên quan đến con chó như Đại Khuyển, Tiểu Khuyển, Lạp Khuyển.
Ở Mỹ, chó mèo còn được coi là một thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình gọi chúng là em bé (baby), thậm chí là “con gái”, “con trai” của họ.

Người Mỹ tin rằng dạy con của họ cách chăm sóc và tiếp cận các “em” vật nuôi như chó sẽ gieo rắc vào đứa trẻ tình yêu thương, lòng trắc ẩn và tinh thần trách nhiệm. Từ đó, con người lớn lên cùng tình yêu cho động vật rất phổ biến. Nghề bác sĩ thú y là ngành rất được tôn trọng ở Mỹ.
Xã hội Tây phương đối xử với con chó tựa như đối xử với con người qua câu nói “Nhất con nít, nhì đàn bà, thứ ba mèo chó, sau đó mới đàn ông”.
Hình ảnh chó trong văn hóa đại chúng
Hình tượng con chó cũng được giới nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc trong giới mỹ thuật quan tâm trong sáng tác, tạo thành hình tượng nghệ thuật. Một số họa sĩ có vẽ chó nhưng thường phối hợp với hình tượng khác như vẽ chó cùng người trong cuộc đi săn, ít khi được coi là đối tượng chính trong các tác phẩm.
Trong lĩnh vực điện ảnh, loài chó cũng có những vai diễn trong các phim nổi tiếng của Hollywood như: Trở về nước, Chuyến du lịch kỳ lạ, chó Benji trong Benji, chú chó săn, Sự lựa chọn của con người, chó Asta trong phim Người đàn ông mảnh khảnh.
Con chó cũng xuất hiện trong phim hoạt hình của Walt Disney như Goofy lần tiên xuất hiện trong phim Mickey’s Revue (1932), Pluto trong phim The Chain Gang (1930), Cáo và chó săn,…
Những câu nói, ca dao, tục ngữ về con chó

- Chó ăn vã mắm (chỉ sự cãi nhau, tranh giành).
- Chó ăn đá, gà ăn sỏi (chỉ đất đai khô cằn).
- Chó dữ mất láng giềng.
- Chó cậy nhà, gà cậy chuồng (chỉ biết dựa vào cái khác để tự tin và tăng sức mạnh).
- Chó dại tha cứt về nhà (chỉ hành động ngu dốt).
- Chó cái cắn con (chỉ sự độc ác).
- Chó cùn cắn dậu (chỉ cùng đường làm bậy).
- Chó cắn áo rách (chỉ sự khốn quẫn).
- Chó chê mèo lắm lông (chỉ nhìn thấy cái xấu của người khác mà mình mình cũng không ra gì).
- Chó chạy ruộng khoai (chỉ sự lông bông, không mục đích).
- Chó chạy hở đuôi (chỉ cây trồng cằn cỗi).
- Chạy như chó phải pháo (rất sợ hãi).
- Chó ông thánh cắn ra chữ (thơm lây dựa vào uy tín người khác mà có).
- Chó già giữ xương (tham lam, giữ cái mình không dùng được nữa).
- Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi (chỉ sự kệch cỡm, khó có thể xảy ra).
- Chó có (mặc) váy lĩnh (chỉ sự lố bịch, không tương xứng, thành trò cười).
- Chó gầy hổ mặt người nuôi.
- Chó chực chuồng chồ (chuồng chồ: chuồng phân, nơi đại tiện; chỉ sự nhục nhã vì miếng ăn).
- Chó giữ nhà, gà gáy sáng (ý mỗi người một việc).
- Chó khô mèo lạc/Mèo đàn chó điếm (chỉ những loại không ra gì).
- Chó khôn tứ túc huyền đề (Loại chó bốn chân có chấm đen).
- Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt (chỉ kinh nghiệm chọn giống chó).
- Chó lên da, gà lên xương (chỉ những bộ phận nếu bị thương thì mau lành).
- Chó chết hết cắn (tức là sự độc ác đã kết thúc).
- Chó chùa bắt nạt (ăn hiếp) chó làng (không biết người biết ta).
- Nhờn chó chó liếm mặt (thân mật quá mức thì vượt phép tắc).
- Chó nhảy bàn độc (liều lĩnh khi gặp thời cơ).
- Mồm chó, vó ngựa (chỉ những bộ phận nguy hiểm của con vật).
- Chó chui gầm chạn (chỉ sự nhục nhã cam chịu, câu nói này thường để chỉ những thân phận khi ở rể).
- Ăn cơm chủ nào sủa cho chủ ấy.
- Chó sủa ma (nói vu vơ, không xác định đối tượng hay mục đích).
- Dấm dẳng như chó cắn ma (làm không quyết liệt, khó chịu).
- Ghét nhau như chó với mèo. (hay lục đục, cãi nhau)
- Chó ngáp phải ruồi (chỉ sự may mắn ngẫu nhiên, đột xuất).
- Chó treo, mèo đậy (phương pháp trị chó mèo ăn vụng, ý nói bạn cần cẩn thận).
- Chó đen giữ mực (bản tính khó thay đổi, tương tự như câu ngựa quen đường cũ).
- Treo đầu dê, bán thịt chó (bán hàng gian dối, lừa bịp).
- Chó vả đi, mèo vả lại (nói khi tai họa liên tiếp).
- Chó tháng ba, gà tháng bảy (thời điểm những con vật này gầy, không ngon, những tháng giáp hạt).
- Đá mèo quèo chó (khi trút nóng nảy, bực tức lên kẻ khác).
- Hổ xuống đồng bằng gặp chó cũng chào (khi thất thế, phải lụy cả kẻ yếu gấp ngàn lần mình trước kia khi không ở địa bàn của mình).
- Khuyển mã chi tình (tình cảm của chó ngựa thủy chung, bền chặt).
Ca dao tục ngữ là cách để người Việt xưa phản ánh đời sống vật chất, tinh thần. Từ hình ảnh chó giữ nhà trong đời sống hàng ngày, hình thức chó đá canh gác là khá phổ biến ở trong văn hóa người Việt.
Trên đây là giải thích ý nghĩa của câu nói “chó sủa là chó không cắn”. Câu nói chỉ những người nói nhiều, đe dọa nhiều, phàn nàn nhiều nhưng không bao giờ thực hiện những lời nói đó. Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn những kiến thức thú vị.