- Hiểu về bảng nguyên tố hóa học:
1.1. Sự ra đời của bảng tuần hoàn hóa học:
Dmitri Ivanovich Mendeleev (1834-1907) – cha đẻ của Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, sinh tại thành phố Tobolsk (Siberia), là một nhà hóa học và nhà phát minh người Nga.
Vào trước năm 1869 người ta đã phát hiện được khá nhiều nguyên tố hóa học, thế nhưng người ta vẫn chưa biết giữa các nguyên tố liệu có mối quan hệ gì với nhau không. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu , tìm ra cách phân loại các nguyên tố nhưng chưa ai tìm được nguyên tắc phân loại đúng đắn nên quy luật thay đổi tính chất của các nguyên tố vẫn còn là một câu đố. Vào năm 1869, giáo sư trường đại học Peterbourg là Mendeleev (1834 – 1907) đã tiến hành nghiên cứu việc phân loại các nguyên tố. Cuối cùng Mendeleev đã phát hiện ra sự thay đổi tuần hoàn tính chất các nguyên tố theo khối lượng nguyên tử (thời đó người ta gọi là nguyên tử lượng) của chúng. Vào năm 1869 Mendeleev chính thức công bố bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố.
1.2. Cách đọc hiệu quả bảng tuần hoàn hóa học:
Số hiệu nguyên tử: Sô nguyên tử hay proton của một nguyên tố hóa học, đây cũng là số điện tích hạt nhân của nguyên tố.
Nguyên tử khối trung bình: là nguyên tử khối trung bình của hỗn hợp các đồng vị tính đến tỉ lệ phần trăm số nguyên tử tương ứng.
Độ âm điện: là khả năng hút electron của nguyên tử đó khi tạo thành liên kết hóa học, độ âm điện của nguyên tử nguyên tố càng lớn thì tính phi kim nguyên tố đó càng mạnh và ngược lại.
Cấu hình Electron: cho biết sự phân bố các electron trong lớp vỏ nguyên tử ở các trạng thái năng lượng khác nhau.
Số Oxi hóa: Số áp cho một nguyên tử hay nhóm nguyên tử, nhờ số oxi hóa chúng ta có thể nhận biết số electron được trao đổi khi 1 chất bị oxi hóa. (VD: Kali là +1 thì khi oxi hóa sẽ loại bỏ 1 electron ở lớp 4s1)
Tên nguyên tố: Tên của 1 chất hóa học tinh khiết.
Ký hiệu hóa học: Ký hiệu viết tắt của 1 nguyên tố hóa học.
1.3. Cấu tạo cơ bản của bảng tuần hoàn hóa học:
Chu kỳ trong bảng tuần hoàn:
Theo hình ảnh bảng tuần hoàn ở trên bạn có thể nhìn thấy có 7 chu kỳ tương ứng với 7 hàng ngang và ứng với số lớp electron của nguyên tố.
Vd: H có 1 lớp electron, Na có 3 lớp electron
Nhóm trong bảng tuần hoàn:
Mỗi cột trong bảng tuần hoàn sẽ ứng với 1 nhóm hay họ tương ứng, các chất trong cùng 1 nhóm sẽ có tính chất hóa học giống nhau. Trên bảng tuần hoàn tiêu chuẩn hiện có 18 nhóm khác nhau.
Có 2 loại nhóm lớn trong bảng tuần hoàn là A và B.
Nhóm A bao gồm các nguyên tố s và p. Số thứ tự nhóm A bằng số electron lớp ngoài cùng.
Vd: Nguyên tố Be có cấu hình e là: 1s²2s² lớp e cuối cùng rơi vào 2s² nên Be sẽ thuộc nhóm A và có số thứ tự là II.
Nhóm B Bao gồm các nguyên tố d và f và có cấu hình e lớp ngoài cùng là \((N-1)d^x Ns^y\) và số thứ tự trong nhóm sẽ bằng x+y. Nếu x+y nằm trong khoảng 8-10 thì sẽ thuộc nhóm VIIIB, x+y>10 thì thuộc nhóm (x+y-10)B
Vd:
Nguyên tố Ti có cấu hình \(1s^22s^22p^63s^23p^63d^14s^2\) số e lóp ngoài cùng rơi vào nhóm \(3d^14s^2\) nên sẽ thuộc nhóm IIIB.
Nguyên tố Mt có lớp e ngoài cùng là \(6d^77s^2\), x+y=9 nên Mt thuộc nhóm VIIIB.
Cu có lớp e ngoài cùng là \(3d^{10} 4s^1\) nên thuộc nhóm IB.
Khối trên bảng tuần hoàn
Bảng tuần hoàn được chia làm 4 khối s, f, d, p: thể hiện số e cuối cùng điền vào phân lớp nào, bạn có thể hình dung qua hình phía trên (Vd: H e cuối là 1s, Na sẽ là 3s).
2. Mẹo ghi nhớ bảng tuần hoàn hóa học:
2.1. Tìm hiểu thật kỹ một vài nguyên tố mỗi ngày:
Hãy tìm hiểu thật kỹ, nghiên cứu tìm tòi một vài nguyên tố hóa học mỗi ngày để hiểu được bản chất của mỗi nguyên tố, từ đó có thể nhớ được sâu hơn về các nguyên tố hóa học.
2.2. Mẹo note vào giấy nhớ:
Sau khi tìm hiể kỹ về các nguyên tố hóa học nói trên, hãy viết vào một mảnh giấy note và dán vào tất cả các vị trí dễ nhìn thấy nhất. Cũng giống như việc học từ mới, khi chúng ta luôn nhìn thấy các nguyên tố ở khắp mọi nơi, chắc chắn bạn sẽ có thể nhớ được chúng rất lâu. Hơn nữa, việc note và dán cũng phục vụ cho việc thiết lập kế hoạch sau này của bạn.
2.3. Mẹo học các nhóm nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học bằng cách đặt tên tiếng Việt dễ nhớ:
Bạn hãy dùng một khẩu hiệu ngắn, một câu chuyện hoặc thực tế liên quan đến âm thanh, biểu tượng của nguyên tố này. Lưu ý là cụm từ ngắn gọn, súc tích sẽ giúp bạn nhớ tên, ký hiệu và các thuộc tính của nguyên tố.
Cách học như sau:
Nhóm I: Hai, Li, Nào, Không, Rót, Cà, Fê (H,Li,Na,K,Rb,Cs,Fr)
Nhóm II: Banh, Miệng, Cá, Sấu, Bẻ, Răng (Be,Mg,Ca,Sr,Ba,Ra)
Nhóm III: Bố, Ai, Gáy, Inh, Tai (B,Al,Ga,In,Tl)
Nhóm IV: Chú, Sỉ, Gọi em, Sang nhắm, Phở bò (C,Si,Ge,Sn,Pb)
Nhóm V: Nhà, Phương, Ăn, Sống, Bí (N,P,As,Sb,Bi)
Nhóm VI: Ông, Say, Sỉn, Té, Pò (O,S,Se,Te,Po)
Nhóm VII: Phải, Chi, Bé, Yêu, Anh (F,Cl,Br,I,At)
Nhóm VIII: Hằng , Nga , Ăn , Khúc , Xương , Rồng (He,Ne,Ar,Kr,Xe,Rn)
Trên đây là những chia sẻ giúp bạn ghi nhớ và sử dụng bảng tuần hoàn hóa học hay bảng tuần hoàn Mendeleev một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều. Giasudiem10 chúc bạn học tốt môn Hóa.