Nhân chia trước cộng trừ sau là một nguyên tắc luôn được nhắc đến để giúp các em nhớ về thứ tự thực hiện phép tính. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên tắc này trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nhân chia trước cộng trừ sau là gì?
Nhân chia trước cộng trừ sau là một trong những nguyên tắc được nhắc đến nhiều nhất khi các em làm quen với các phép tính trong Toán học. Nguyên tắc này giúp các em nhớ thứ tự thực hiện phép tính đó là: Thực hiện phép nhân chia trước, phép cộng và phép trừ sau.
Như vậy, nhân và chia là các phép tính đồng hạng và được ưu tiên thực hiện trước so với phép cộng và trừ.
Ví dụ: Thực hiện phép tính: 12 – 2 x 4
Lời giải:
Phép nhân mặc dù ở bên phải nhưng được thực hiện trước so với phép trừ, ta được:
12 – 2 x 4 = 12 – 8 = 4
Bên cạnh quy tắc nhân chia trước, cộng trừ sau thì các em cũng nhớ một số quy tắc thứ tự thực hiện phép tính như sau:
- Thực hiện phép tính trong ngoặc đơn trước
- Thực hiện phép nhân, chia theo thứ tự từ trái sang phải
- Thực hiện phép cộng, trừ theo thứ tự từ trái sang phải
Ví dụ: Thực hiện phép tính:
6 x (5 + 7 x 3) : 2
Thực hiện các phép tính trong ngoặc trước, trong đó thực hiện phép nhân trước phép cộng:
(5 + 7 x 3) = 5 + 21 = 26
Phép tính còn phép nhân và phép chia, thực hiện lần lượt từ trái qua phải: 6 x 26 : 2 = 78.
Bài tập vận dụng về quy tắc nhân chia trước cộng trừ sau
Bài 1: Thực hiện các phép tính:
a) 5 x (6 + 3)
b) 4 – 10 : 2 + 3
Lời giải: Các em nhớ thứ tự thực hiện phép tính: Trong ngoặc, nhân chia trước, cộng trừ sau, từ trái qua phải
a) 5 x (6 + 3) = 5 x 9 = 45
b) 7 – 10 : 2 + 3 = 7 – 5 + 3 = 2 + 3 = 5
Bài 2: Thực hiện các phép tính sau:
a) 6 + 4 x 5
b) 4 + (10 – 2 x 3)
Lời giải :
a) 6 + 4 x 5 = 6 + 20 = 26
b) 4 + (10 – 2 x 3) = 4 + (10 – 6) = 4 + 4 = 8
Bài 3: Thực hiện các phép tính sau:
a) 5 x 6 : 3
b) 12 : 3 x 8 : 2
Lời giải : Trong bài toán này ta chỉ có phép nhân chia và không có dấu ngoặc đơn vì vậy phép tính lần lượt từ trái qua phải.
a) 5 x 6 : 3 = 30 : 3 = 10
b) 12 : 3 x 8 : 2 = 4 x 8 : 2 = 32 : 2 = 16
Bài 4: Thực hiện các phép tính sau
a) 5 x ( 6 + 3 x 2) : 2
b) 12 + 8 x 7 – (2 + 3)
Lời giải : Khi này chúng ta làm phép tính trong dấu ngoặc đơn trước:
a) 5 x (6 + 3 x 2) : 2 = 5 x (6 + 6) : 2 = 5 x 12 : 2 = 60 : 2 = 30
b) 12 + 8 x 7 – (2 + 3) = b) 12 + 8 x 7 – 5 = 12 + 56 – 5 = 68 – 5 = 63
Trên đây là lý thuyết và bài tập về quy tắc nhân chia trước cộng trừ sau. Mong rằng, qua bài viết này sẽ giúp các em nắm vững được thứ tự thực hiện phép tính cộng trừ nhân chia để tìm được đáp án đúng cho các bài tập.