5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Ai trong tuổi thơ của chúng ta cũng đều phải biết đến 5 điều này, đây được coi là những lời căn dặn của Bác Hồ đối với thế hệ măng non, một trong những thế hệ có thể thay đổi cả dân tộc trong tương lai. Vậy 5 điều Bác Hồ dạy ra đời vào thời điểm nào? Nó có ý nghĩa là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin qua nội dung dưới đây của bài viết.
5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Bác Hồ là một trong những vị lãnh tụ rất yêu mến các thiếu niên, nhi đồng. Những sự yêu mến này được thể hiện qua các tư liệu lịch sử và Bác luôn là người chú trọng rất nhiều vào nền giáo dục bởi những búp măng non này sẽ là thế hệ góp phần trong sự phát triển đất nước trong tương lai.
Như các bạn cũng đã thấy hàng năm đều có những bức thư từ chủ tịch nước gửi tới các em học sinh, truyền thống này đã có từ thời của Bác Hồ. Và một trong những lời nhắn gửi, lời dạy gắn liền với biết bao thế hệ học sinh đến mãi mai sau thì đó chính là 5 điều Bác Hồ dạy.
5 điều Bác Hồ dạy được ra đời khi nào?
Như các bạn cũng đã biết thì 5 điều Bác Hồ dạy đó chính là lời dặn của Bác Hồ đối với thế hệ măng non của đất nước và tất cả những thế hệ học sinh chúng ta đều được giáo dục và học từng câu từng chữ trong 5 điều này.

Vậy thì 5 điều Bác Hồ dạy được ra đời khi nào? Theo nhiều thông tin liên quan tới lịch sử được ghi nhận thì vào dịch kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu Niên Tiền Phong (tháng 15/5/1941 – 15/5/1961) thì Trung Ương Đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam có đề nghị với bác hồ viết 1 bức thư để gửi cho các em thiếu niên, nhi đồng trên toàn quốc.
Bác Hồ đã viết 1 bức thư dành cho thiếu niên và nhi đồng trên cả nước trong đó có 5 điều Bác Hồ dạy đã được sinh ra từ đây. Bác đã gửi thư chúc mừng và động viên các cháu thiếu niên, nhi đồng và từ đó 5 điều Bác Hồ dạy đã trở thành 1 mục tiêu phấn đầu của toàn thế hệ thiếu niên và nhi đồng Việt Nam.
Nội dung bức thư với 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng
Hiện nay, bản thảo của bác thư mà Bác gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng vẫn được lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, cụ thể 5 điều Bác Hồ dạy trong bức thư như sau:
“Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh,
Thật thà, dũng cảm”.
Tuy nhiên, trong cuốn số Giải thưởng Bác Hồ – Cuốn sổ dành riêng để thưởng cho các giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 1964 – 1965 thì 5 điều Bác Hồ dạy được in hoàn chỉnh cho đến tận bây giờ với nội dung như sau:
“ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Tại sao lại có sự khác nhau trên thì theo như thư ký đồng chí Vũ Kỳ là thư ký của Bác Hồ cho biết thì vào thời điểm gần cuối năm 1965 để có thể chuẩn bị cho phần thưởng của giáo viên và học sinh vào cuối năm học, thì Bác thấy 5 điều bác dạy thiếu niên, nhi đồng ở thời điểm trước đó có 3 cầu đầu là 6 chữ và 2 câu sau là 4 chữ, như vậy không cân đối nên Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm để các câu đều có đủ 6 chữ.
Trong lời căn dặn thứ 5 có từ đó là “Khiêm tốn”. Bởi thời điểm từ những năm 1965 trở đi thì Đế Quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, ném bom tàn phá Miền Bắc, mọi người dân Việt Nam nghe theo lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đền đáp cho đồng bào Miền Nam ruột thịt”. Thế nên càng có nhiều tấm gương người tốt việc tốt. Những tấm gương này không hạn chế độ tuổi. Ở ngoài Miền Bắc đã có nhiều thiếu niên dũng cảm cứu người, cứu hàng hóa và ở trong Miền Nam cũng xuất hiện nhiều tấm gương dũng sĩ diệt Mỹ.
Chính vì những điều này mà Bác không muốn các em nhỏ tự kiêu mà muốn các em luôn phải khiêm tốn. Bởi chỉ có khiêm tốn thì mới giúp cho các em có thể cố gắng phấn đấu và tiến bộ nhiều hơn nữa.
Ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng
5 điều Bác Hồ dạy chính là những điều mà các lớp măng non đều cần phải ghi nhớ bởi những lời dạy của Bác rất ngắn gọn và dễ nhớ. Tuy nhiên, việc dễ nhớ lại không đồng nghĩa với việc bạn có thể hiểu hết ý nghĩa của những lời dạy này. Để hiểu hơn về ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nội dung dưới đây nhé.

Điều 1: Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào
Yêu Tổ Quốc đây là một trong những truyền thống tốt đẹp của đất nước và hãy giữ gìn và phát huy tốt truyền thống này. Yêu đồng bào được thể hiện qua đời sống hằng ngày qua quá trình giao tiếp, cư xử với những người xung quanh mình và sự tương thân tương ái giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt
Học tập tốt sẽ được thể hiện qua thái độ học tập, chăm chỉ, chịu khó trong quá trình học. Thái độ học tập không chỉ đơn giản là chỉ ở việc học tập lý thuyết mà cần phải áp dụng vào thực tế. Đến lớp đầy đủ, lắng nghe và ghi chép bài giảng đầy đủ của thầy cô giáo.
Lao động tốt là sự thể hiện thành quả lao động của bản thân và những người khác. Biết lao động với sức lực của mình tại nhà trường, cũng như giúp đỡ bố mẹ ở nhà, trực nhật dọn vệ sinh sạch sẽ trường lớp.
Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Đoàn kết tốt thể hiện trong những mối quan hệ bạn bè trong trường lớp với anh chị em trong gia đình, cũng như ngoài cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập để có thể cùng nhau tiến bộ.
Kỷ luật tốt là việc thực hiện nghiêm chỉnh những nội quy ở trường lớp, nội quy ở những nơi công cộng.
Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Các em nhỏ cần giữ gìn bản thân sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng cũng như vệ sinh sạch sẽ tại nhà, trường lớp.
Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
Khiêm tốn là một phẩm chất đáng quý cần phải có, sống không tự kiêu, lễ phép, tôn trọng người lớn tuổi.
Thật thà là sống phải trung thực, không nói dối trong học tập và cả trong cuộc sống. Dũng cảm là phải biết nhìn nhận những khuyết điểm, những cái chưa được của bản thân để từ đó có thể sửa đổi.
Trên đây là thông tin về 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng mà bạn có thể tham khảo. Mọi ý kiến và thắc mắc có thể để lại cho chúng tôi ở dưới phần bình luận.