Tổng hiệu tích thương là các phép tính cơ bản trong Toán học. Các em nhỏ đã tiếp xúc với những phép tính này ngay từ chương trình Tiểu học. Tuy nhiên, có nhiều em nhầm lẫn giữa các khái niệm: Tổng, hiệu, tích và thương. Hãy tham khảo bài viết để có được câu trả lời chính xác nhé.
Tổng hiệu tích thương là gì?
Tổng hiệu tích thương là khái niệm liên quan đến các phép tính cơ bản trong Toán Học.
Trong đó:
- Tổng là kết quả của phép cộng (+)
- Hiệu là kết quả của phép trừ (-)
- Tích là kết quả của phép nhân (x)
- Thương là kết quả của phép chia (:)
Trong một bài toán có thể bao gồm nhiều phép tính tổng, hiệu, tích và thương. Các em cần nhớ nguyên tắc: Nhân chia trước, cộng trừ sau để giải bài tập có nhiều loại phép tính nhé.

Các tính chất của phép cộng
Phép cộng có các tính chất sau:
- Tính chất giao hoán: a + b = b + a
- Tính chất kết hợp: (a + b) + c = a + (b + c)
- Cộng với 0: a + 0 = a
- Cộng với số đối: a + (-a) = 0
Các tính chất của phép trừ
Phép trừ có các tính chất sau:
- Phép trừ cho chính số đó: a – a = 0
- Trừ với số 0: a – 0 = a (Hiệu của phép trừ cho 0 bằng chính số đó)
Các tính chất của phép nhân
Phép nhân có các tính chất sau:
- Tính chất giao hoán: a x b = b x a
- Tính chất kết hợp: (a x b) x c = a x (b x c)
- Tính chất phân phối của phép nhân và phép cộng: a x (b + c) = a x b + a x c
- Tính chất này cũng đúng với phép trừ, tức là a x (b – c) = a x b – a x c
- Nhân một số với 1: a x 1 = 1 x a = a

Các tính chất của phép chia
Phép chia có các tính chất sau:
- Tính chất chia một tổng cho một số: (a + b) : c = a : c + b : c
- Tính chất chia một hiệu cho một số: (a – b) : c = a : c – b : c
- Tính chất chia một số cho một tích hai thừa số: a : (b x c) = a : b : c = a : c : b
- Tính chất chia một tích hai thừa số cho một số: (a x b) : c = a : c x b = a x (b : c)
- Chia cho chính số đó: a : a = 1
- Chia cho số 1: a : 1 = a
- Phép chia có số bị chia bằng 0: 0 : a = 0
Bài tập vận dụng về tổng hiệu tích thương
Bài 1: Thực hiện phép tính:
a, 17 x 85 + 15 x 17 – 120
b, 27 x 15 + 25 x 2 – 150
c, 25 x 8 – 12 x 5 + 170 : 17 – 8
d, 15 – 25 x 8 : (100 x 2)
Bài giải:
Thứ tự thực hiện phép tính: Trong ngoặc → nhân, chia → cộng trừ
a, 17 x 85 + 15 x 17 – 120 = 1445 + 255 -120 = 1700 – 120 = 1580
b, 27 x 15 + 25 x 2 – 150 = 405 + 50 – 150 = 455 – 150 = 305
c, 25 x 8 – 12 x 5 + 170 : 17 – 8 = 200 – 60 + 10 = 150
d, 15 – 25 x 8 : (100 x 2) = 15 – 200 : 200 = 15 – 1 = 14
Bài 2: Tìm số tự nhiên x, biết:
a, 70 – 5.(x – 3) = 45
b, 12 + (5 + x) = 20
c, 130 – (100 + x) = 25
d, 175 + (30 – x) = 200
Bài giải:
a, 70 – 5.(x – 3) = 45
⇒ 5.(x – 3) = 70 – 45 = 35
⇒ x – 3 = 35 : 5 = 7
⇒ x = 7 + 3 = 10
b, 12 + (5 + x) = 20
⇒ 5 + x = 20 – 12 = 8
⇒ x = 8 – 5 = 3
c, 130 – (100 + x) = 25
⇒ 100 + x = 130 – 25 = 105
⇒ x = 105 – 100 = 5
d, 175 + (30 – x) = 200
⇒ 30 – x = 200 – 175 = 25
⇒ x = 30 – 25 = 5
Trên đây là khái niệm tổng hiệu tích thương và một số bài tập vận dụng. Mong rằng sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về những phép tính này. Chúc các em học tập tốt!